Giới thiệu

Giới thiệu chung về xã Phương Tiến

24/06/2019 00:00 486 lượt xem

Xã phương Tiến nằm ở vị trí địa lý 104054  kinh đông  - 27,52o   vĩ bắc, xã Phương Tiến  cách trung tâm huyện 30 km, cách thành phố Hà Giang 12 km. Phía đông giáp với xã Phương Độ; Phía tây giáp với xã Lao Chải, Xín Chải và xã Túng Sán của huyện (Hoàng Su Phì) phía bắc giáp với xã Thanh Thủy, xã Phong Quang; phía nam giáp với xã Cao Bồ,  xã có quốc lộ 2 đi qua 4 thôn địa bàn vùng thấp (Cường Thịnh, Thôn Sửu, Nà Miều, Nà Thài) từ Km 9 đến km 13 đường Hà Giang đi cửa khẩu Thanh Thủy,. Địa bàn xã có nhiều khe suối chia cắt, đặc biệt là ở 4 thôn vùng cao (Xà Phìn, Mào Phìn, Nậm Tẹ, Nà Mầu). Các tuyến đường liên thôn cơ bản đã hoàn thành, tạo  điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu giữa các vùng trong toàn xã, và các vùng lân cận để đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Tuy nằm gần TP Hà Giang nhưng địa hình của Phương Tiến cũng rất đa dạng và phức tạp. Phía Tây và Tây Bắc của xã phần lớn là những dãy núi cao, nhiều vực sâu, rừng già. Độ cao trung bình là 1.600m, có nhiều đỉnh cao từ 1.500m đến trên 2000m, điển hình là đỉnh Tây Côn Lĩnh. Phần đất còn lại của xã là những dải đồi, núi đất nối nhau liên tiếp, xen kẽ với những dãy núi là những thung lũng tương đối bằng phẳng, tạo thành những cánh đồng lúa nước, đây chính là vùng trọng tâm để phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp của xã.

Hệ thống sông suối trên địa bàn xã cũng rất phong phú. Có dòng sông Lô bắt nguồn từ Trung Quốc, xã có trục đường suối sửu dài 27 km đường dốc cua nhiều. Đây là nguồn nước tưới tiêu rất thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu để phát triển sản xuất nông nghiệp và khai thác, sử dụng thủy điện nhỏ phục vụ cho đời sống sinh hoạt của nhân dân trong xã.

Khí hậu ở Phương Tiến chia thành 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, khô hanh và giá buốt.

Do nằm trên khu vực đi qua của dãy Tây Côn Lĩnh nên Phương Tiến có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú. Có nhiều lâm, thổ sản có giá trị, có hàng trăm loại thảo dược và rất nhiều muông thú quý hiếm, bên cạnh sản xuất Nông nghiệp thì rừng đã mạng lại cho bà con nhân dân trong xã một nguồn lợi đáng kể.

 

Hiện nay trên địa bàn xã Phương Tiến có 704 hộ gia đình bao gồm 3.236 nhân khẩu, có 8 dân tộc anh em cùng chung sống nhưng chủ yếu là dân tộc Dao và dân tộc Tày, còn lại dân tộc khác sống theo vợ theo chồng. Nhân dân các dân tộc Phương Tiến sống bằng nghề nông là chính, mặc dù đất nông nghiệp rất hạn chế chủ yếu là núi và rừng. Ngoài cây lúa là cây lương thực chính, xã còn chú trọng  phát triển các loại cây trồng có giá trị cao như chè, thảo quả, quế… và các loại cây dược liệu. Bên cạnh đó nghành chăn nuôi cũng được đẩy mạnh như trâu, bò, lợn và các loại gia cầm.

Phương Tiến là nơi hội tụ, sinh sống của rất đông đồng bào Tày, Họ sống tập trung thành làng bản trong các thung lũng hoặc dọc hai bờ sông, suối. Đồng bào Tày làm ruộng nước là chính, ngoài ra còn trồng ngô và các loại hoa màu khác. Chiếm số lượng không nhỏ so với các dân tộc khác trên địa bàn xã là đồng bào Dao, họ thường cư trú trên các triền núi cao, làng bản thưa thớt, nhà cửa đơn sơ, nghề nghiệp chính là phát nương, làm rẫy, trồng rừng và canh tác trên ruộng bậc thang.

Nhân dân các dân tộc xã Phương Tiến vốn có đời sống văn hóa, tinh thần khá phong phú, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa và phong tục tập quán riêng, đồng bào các dân tộc ở đây đã sống với nhau trong khống khí đoàn kết, hiểu biết nhau, cùng nhau góp sức xây dựng và bảo vệ quê hương. Cho đến nay, các dân tộc ở Phương Tiến vẫn bảo tồn và phát huy được nhiều yếu tố văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Các yếu tố đó được thể hiện trên bộ trang phục, qua ẩm thực, phong tục tập quán, kỹ thuật canh tác, tri thức dân gian và các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ của dân tộc... Ở dân tộc nào cũng có một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần riêng biệt tạo thành tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.

 

Tin khác